15 bí kíp tăng doanh số cửa hàng (Phần 1)

10:00 | 14/05/2016 | Hà Nội

Tăng doanh số là điều mà người quản lý nào cũng mong muốn đạt được, bởi doanh số có tăng thì lợi nhuận mới cao và thời gian quay vòng vốn mới nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là điều khiến hầu hết các nhà quản lý trăn trở. Trên thực tế, không phải người quản lý nào cũng nắm trong tay bí quyết hái ra tiền.

1/ Chất lượng sản phẩm vẫn là số 1 

Nếu bạn nói chất lượng sản phẩm chỉ là thứ 2, cửa hàng của bạn sẽ chẳng thể trụ lâu trong ngành bán lẻ lắm kẻ ra người vào này. Người tiêu dùng hiện rất thông minh và ngày càng thông thái. Những tin tức hàng hóa kém chất lượng nhan nhản trên Internet hàng ngày vẫn đập vào mắt họ, cũng có rất nhiều cửa hàng khác cùng kinh doanh loại sản phẩm giống cửa hàng của bạn. Điều đó có nghĩa là nếu sản phẩm của bạn không tốt, hay không đủ tốt, hoặc “treo đầu dê bán thịt chó”, họ sẽ một đi không trở lại. Khách hàng sẽ đến trải nghiệm ở một cửa hàng khác và tiếp tục cuộc hành trình đi tìm cửa hàng “ruột”. Vậy tại sao bạn không biến cửa hàng của mình thành cửa hàng “ruột” ngay từ khi khách tới lần đầu.

2/ Sự khác biệt trong sản phẩm

Sản phẩm có chất lượng cũng là một yếu tố khác biệt khiến khách hàng “bồ kết” cửa hàng của bạn. Tuy nhiên, cũng có nhiều cửa hàng bán sản phẩm chất lượng như vậy. Công việc của bạn là thu hẹp số những cửa hàng mà khách hàng muốn ghé qua và sẽ ở lại, bằng cách làm cho sản phẩm của bạn khác biệt. Khác biệt trong sản phẩm có thể đến từ mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, hương vị, ý tưởng,… Hãy thử “đốn tim” khách hàng bằng những chiếc váy ngọt ngào, độc và lạ, những li café kiểu Ý có một không hai, hay những món ăn kiểu Pháp cách điệu…

3/ Chính sách giá cạnh tranh

Giá cả không nhất thiết phải rẻ mà nên cạnh tranh so với đối thủ của bạn. Nếu sản phẩm của bạn ưu việt hơn, hãy tận dụng và nhấn mạnh điều đó với khách hàng. Nếu sản phẩm tương đương, bạn nên cân nhắc một chiến lược giá tốt hơn. Trong trường hợp còn lại, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành là điều tất yếu nếu bạn không muốn xóa xổ cửa hàng của mình trong sớm muộn.

4/ Kỹ năng bán hàng lấy lòng khách đến

Kỹ năng bán hàng là điểm quyết định then chốt khi khách hàng còn đang lưỡng lự có nên mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của cửa hàng bạn hay không. Dù sản phẩm của bạn có tốt, giá cả cạnh tranh, nhưng kỹ năng tư vấn và thái độ thiếu thiện cảm của nhân viên bán hàng cũng có thể khiến họ nói “Không!”. Kỹ năng bán hàng không chỉ là hiểu biết về sản phẩm, mà còn là hiểu biết về tâm lý con người, thuyết phục khách hàng rằng đó là sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo mà họ nên dốc hầu bao ra mua.

5/ Hỗ trợ vận chuyển nhanh chóng 

Không nhiều cửa hàng hỗ trợ chính sách vận chuyển và nếu có, cũng chưa nhanh chóng và đảm bảo nguyên vẹn chất lượng sản phẩm. Chính vì đối thủ chưa chú trọng khâu chăm sóc này, cửa hàng của bạn càng phải làm tốt hơn. Nên nhớ rằng, khách hàng luôn so sánh và họ sẽ còn trở lại nếu họ nhận thấy sự khác biệt chỉ cửa hàng bạn mới có.

6/ Hậu mãi “ngon lành”

Hậu mãi là khâu cuối cùng trong quy trình bán hàng. Đối với những cửa hàng bán sản phẩm công nghệ thì hậu mãi chính là chế độ bảo hành. Đối với cửa hàng thời trang thì hậu mãi lại là dịch vụ sửa quần áo tại chỗ, là hơi, dán đế giày, đánh bóng giày… Chẳng khách hàng nào lại từ chối mua hàng khi được chăm sóc từ A đến Z. Và một khi đã trải nghiệm trọn vẹn sản phẩm và dịch vụ của cửa hàng bạn, khách hàng sẽ chẳng ngần ngại quay lại lần nữa cùng với bạn bè, người thân của họ. Điều đó có nghĩa là bạn đã “cưa đổ” khách hàng trung thành và thêm nhiều khách hàng tiềm năng mới rồi đấy.

7/ Bày trí sản phẩm và cửa hàng cho bắt mắt

Khách hàng nhìn thấy điều gì trước tiên khi bước vào cửa hàng/nhà hàng của bạn? Điều gì khiến những vị khách xa lạ đi ngang qua đường phải dừng chân lại? Đó chính là cách bày trí cửa hàng của bạn. Bày trí không gian là cả một nghệ thuật. Nhiều shop thời trang và tiệm café hiện nay đã khéo léo lồng ghép phong cách của cửa hàng vào trong lối bài trí. Một số có không gian ấm cúng như ở nhà, một số rực rỡ và màu sắc, một số khác thì chất, độc, lạ và bụi bặm. Các nhà hàng thì chú ý đến sự sạch sẽ nhiều hơn, nhấn nhá một chút lãng mạn với hoa cắm bàn và ánh đèn mờ ảo. Những cửa hàng điện máy, siêu thị thì đơn giản hơn, chủ yếu sắp xếp hàng hóa sao cho phủ kín cửa hàng, tạo cảm giác không gian vừa đủ và nhiều hàng hóa, với những mẫu mã mới thường được thay mới đều đặn, theo ngày hoặc theo tuần.

Nếu trưng bày sản phẩm trên website, các nhà quản lý càng nên chú trọng đến hình ảnh hơn. Hình ảnh sản phẩm phải bắt mắt, cập nhập thông tin đầy đủ, hướng dẫn sử dụng rõ ràng và nên đưa ra mức giá để khách hàng dễ quyết định. Giống như cửa hàng offline, người quản lý cần đưa những mẫu mới lên đều đặn, song song với những chương trình thúc đẩy bán hàng cho các sản phẩm này.